Ngày 22-6, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho hay công ty đang đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản sau khi lô hàng đầu tiên thành công hơn mong đợi.
“Nhà nhập khẩu Nhật Bản mua vải thiều của chúng tôi với giá 8-12 USD/kg (184.000 – 276.000 đồng/kg) để bán sỉ cho các hệ thống siêu thị Nhật Bản. Chất lượng vải thiều Việt Nam đến Nhật Bản rất tốt nên ngay khi hàng đến nơi, hoàn tất các thủ tục, siêu thị đã mua hết, nhà nhập khẩu không cần đưa hàng về kho. Tuy nhiên, giá bán lẻ như thế nào phải chờ siêu thị đưa hàng lên kệ chúng tôi mới cập nhật được” – bà Vy thông tin.
Vải thiều Việt Nam sang Nhật Bản có chất lượng rất tốt – Ảnh do nhà nhập khẩu cung cấp
Cũng theo bà Vy, lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản bằng đường hàng không, riêng cước vận chuyển đã hết 3,5 USD/kg nên dù bán được giá cao thì công ty cũng không lãi bao nhiêu. “Khi vải thiều được vận chuyển bằng đường biển với cước phí thấp mới tính đến chuyện lợi nhuận. Do mùa thu hoạch vải ngắn nên doanh nghiệp không đợi lô hàng tàu đầu tiên cập cảng mà xuất hàng liên tục. Dự kiến công ty sẽ xuất khẩu tối thiểu 15 tấn vải thiều/tuần cho đến khi hết vụ trong 3-4 tuần tới” – bà Vy nói thêm.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện có 3 doanh nghiệp xuất khẩu vải tươi sang Nhật Bản là công ty Xuất khẩu Ameii, công ty Chánh Thu và hệ thống Aeon. Theo kế hoạch xuất khẩu đã đăng ký, tại Nhật Bản, Sunrise farm và Yufruits Co Ltd là 2 nhà nhập khẩu và phân phối chính sản phẩm quả vải tươi của Việt Nam trong niên vụ 2020.
Sơ chế vải thiều xuất khẩu sag Nhật Bản
Để có nguyên liệu vải tươi xuất khẩu sang Nhật Bản, doanh nghiệp phải phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Viện Cơ – Điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, UBND tỉnh Bắc Giang,… hướng dẫn quy trình trồng chăm sóc quả vải cho nông dân từ cuối năm 2019. Theo các doanh nghiệp, thị trường Nhật yêu cầu cao về chất lượng nhưng không quá chú trọng mẫu mã như thị trường Trung Quốc nên tỉ lệ vải đạt chuẩn xuất khẩu từ 70%-90% tổng số vải thu hoạch từ nhà vườn. Doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua vải của nông dân liên kết với giá sàn 25.000 đồng/kg và vừa qua thực tế doanh nghiệp đã mua của nông dân với giá 38.000 đồng/kg nên nhà vườn rất phấn khởi.