Theo nghiên cứu của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Việt Nam, Trung Quốc là những quốc gia được đánh giá cao trong quá trình phục hồi nền kinh tế. Đáng chú ý, hai quốc gia đều ghi nhận những dấu hiệu tích cực về thương mại khi kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đáng kể trong quý 3 vừa qua.
Đây cũng là hai quốc gia đã kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh nhanh chóng, mặc dù hai bên đã áp dụng các chiến lược rất khác nhau. Ấn tượng hơn, xuất khẩu trong quý 3 của Việt Nam tăng 10,9%, Trung Quốc tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. UNCTAD nhấn mạnh, xuất khẩu của Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Ngược lại, nhiều nền kinh tế trên thế giới vẫn đang đối mặt với vô vàn thách thức khi diễn biến của dịch bệnh ngày càng phức tạp dẫn đến việc thương mại không thể phục hồi. Cụ thể, xuất khẩu của Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu trong quý 3 đều giảm đáng kể, trong khoảng từ 11,6% đến 9,7%.
Các chuyên gia của UNCTAD nhận định, trong quý 2, không có khu vực nào có thể tránh khỏi sự sụt giảm về thương mại quốc tế. Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu khu vực Tây và Nam Á được ghi nhận sụt giảm sâu nhất. Trong đó, nhập khẩu giảm 35% và xuất khẩu giảm 41%.
Đến tháng 7, ngoại trừ khu vực Đông Á, các khu vực khác vẫn tiếp tục ghi nhận mức sụt giảm sâu trong thương mại. Bên cạnh đó, đại dịch cũng làm tăng khoảng cách giữa các quốc gia giàu và nghèo, đặc biệt về khả năng phục hồi kinh tế, cũng như khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế.
Trong khi xuất khẩu tháng 7 từ các quốc gia đang phát triển giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái, các nước phát triển ghi nhận lượng hàng xuất khẩu của họ giảm 22%. UNCTAD nhận định, điều này cho thấy cấu trúc của chuỗi giá trị toàn cầu: các nước đang phát triển thường sản xuất những mặt hàng được tiêu thụ rộng rãi ở các nước phát triển.
Song, dù phục hồi thương mại toàn cầu ở các nước phát triển vẫn còn “chậm chạp”, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu liên quan đến dịch bệnh Covid-19 của người dân các quốc gia này lại gấp “100 lần” các quốc gia đang phát triển.
UNCTAD khẳng định, sự mất cân bằng này sẽ cản trở quá trình phục hồi toàn cầu giai đoạn hậu Covid-19 cũng như gây ra những quan ngại về việc phân phối đều các loại vắc-xin trong tương lai.
Sự phục hồi thương mại của Trung Quốc đã thúc đẩy phục hồi nền kinh tế của quốc gia này, sau mức giảm kỷ lục 6,8% trong quý đầu tiên. GDP quý 3 của Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn chung, UNCTAD đánh giá xuất khẩu vẫn là yếu tố cơ bản trong quá trình phục hồi nền kinh tế. Theo Oxford Economics, thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc đã tăng từ 13,3% vào cuối năm 2019 lên 17,2% trong quý 2/2020.
UNCTAD cũng kết luận, tăng trưởng thương mại toàn cầu về vật liệu và thiết bị y tế đạt mức cao nhất trong tháng 5, với 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ước tính rằng Trung Quốc đã cung cấp khoảng 44% thiết bị bảo hộ cá nhân trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2020.