Dự kiến năm 2020, khu vực kinh tế ngầm được tính vào GDP , điều này sẽ tác động tới nền kinh tế và các thành phần kinh tế như thế nào, thưa ông?
Khi cộng khu vực kinh tế chưa được quan sát (tạm gọi chung là kinh tế ngầm) vào GDP (tổng sản phẩm quốc nội) sẽ có nhiều cái lợi cho điều hành của Chính phủ. Lý do, cộng thêm con số thống kê này vào sẽ khiến quy mô GDP tăng lên, tỷ lệ nợ công/GDP và tỷ lệ bội chi/GDP giảm đi… nhưng thực tế con số tuyệt đối về nợ công và bội chi không giảm, dễ dẫn tới thành tích ảo.
Thực tế vẫn tồn tại song song 02 khu vực trong hoạt động của một nền kinh tế: khu vực kinh tế quan sát được và khu vực kinh tế ngầm.
Rõ ràng, hiện nay GDP của Việt Nam đang tính từ nền kinh tế quan sát được vẫn còn bị nghi ngờ. Vì thống kê cũng đang dựa nhiều vào ước lượng (có sai số). Nếu tính thêm khu vực kinh tế ngầm vào GDP nghĩa là lại ước lượng thêm một khoản vu vơ nữa thì rất nguy hiểm.
Vấn đề quan trọng hơn, nếu cộng cả khu vực kinh tế ngầm vào GDP (dự kiến thực hiện vào năm 2020) sẽ phải điều chỉnh chuỗi thời gian tính GDP ít nhất là 10 năm. Đó là nguyên tắc, nếu không số liệu sẽ “gãy” hết.
Khi điều chỉnh một chuỗi thời gian cho các dãy số liệu nó sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc ngành nghề theo 10 năm điều chỉnh đó, dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP sẽ khác, cấu trúc GDP sẽ khác, cấu trúc ngành sẽ khác. Vì không phải ngành nghề nào cũng có khu vực kinh tế ngầm giống nhau, con số thống kê kinh tế ngầm có năm nó tăng cao, có năm tăng thấp…
Khi cấu trúc GDP khác đi thì cấu trúc của nhu cầu sẽ khác, tiêu dùng sẽ khác, tích luỹ sẽ khác, xuất nhập khẩu sẽ khác… Tất cả tỷ lệ sẽ khác, dẫn đến tất cả các báo cáo, đề tài khoa học từ trước đến nay sẽ vô giá trị. Các con số tăng trưởng hay dự tính tăng trưởng hằng năm mà Quốc hội đưa ra bàn thảo sẽ là không thực chất, vì dự tính tổng đầu tư, thu – chi ngân sách… chỉ dựa trên khu vực kinh tế quan sát được, nhưng tăng trưởng thực tế lại gồm cả kinh tế ngầm.
Khi tính kinh tế ngầm vào GDP thành tích tăng trưởng GDP lúc đó lại chỉ là ảo, nó cho thấy thu nhập bình quân đầu người tăng lên (do quy mô GDP lớn hơn), tỷ lệ bội chi, tỷ lệ nợ công giảm đi… nhưng thực tế không phải vậy. GDP tăng từ cách tính mới này cũng do thuế tăng, phí tăng… tất yếu sẽ liên quan đến người dân.
Tham nhũng hay những hoạt động kinh tế phi pháp (ma tuý, cho vay nặng lãi, mại dâm…) không được thống kê và tính vào GDP vì không được pháp luật thừa nhận.
Ngay như việc tính bội chi ngân sách cũng thay đổi để lấy thành tích. Trước đây, tỷ lệ bội chi/GDP bao gồm cả trả nợ gốc vay quốc tế. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, khoản trả nợ gốc này được bỏ ra ngoài bảng cân đối quốc gia, tỷ lệ bội chi nhỏ đi và được coi là thành tích.
Trong khi đó, chi thường xuyên có nguồn từ thuế, phí (cho hoạt động quản lý bộ máy Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, an ninh quốc phòng) ở mức cao tới 82%/tổng thu và 71%/tổng chi. Có những khoản chi được lấy từ tiền tiết kiệm chi thường xuyên, trong khi nếu tiết kiệm được phải để vào ngân sách.
Theo ông, khi thống kê được khu vực kinh tế ngầm có thu được thuế hay chống buôn lậu không?
Theo nội dung Đề án, 05 nhóm hoạt động khu vực kinh tế chưa được quan sát, gồm: kinh tế ngầm; kinh tế bất hợp pháp; kinh tế phi chính thức; kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong chương trình thu thập dữ liệu thống kê.
Khu vực kinh tế bất hợp pháp (mại dâm, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi…) không tính vào GDP, vì nó không được pháp luật công nhận.
Khu vực kinh tế ngầm (hợp pháp nhưng giấu giếm) là không thể thống kê. Tổng cục Thuế cũng không thừa nhận việc nhiều doanh nghiệp kê khai tài chính với 02 loại sổ sách.
Hay ở lĩnh vực hải quan, có những chênh lệch số liệu không được thừa nhận. Chẳng hạn, giữa hải quan Việt Nam và Trung Quốc, năm 2016, thống kê số liệu nhập khẩu của hải quan Việt Nam thấp hơn 20 tỷ USD so với xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam, con số này nửa đầu năm 2017 là 18 tỷ USD…
Số liệu nhập khẩu từ phía Việt Nam thấp hơn nên phải trừ đi phần chênh lệch đó trong tính toán GDP (trong phần NX). Vì, GDP = C + G + I + NX (C: tiêu dùng của hộ gia đình; G: tiêu dùng của Chính phủ; I: tổng đầu tư; NX (Xuất khẩu ròng = Xuất khẩu – Nhập khẩu).
Hay như có những cá nhân của cơ quan quản lý nhũng nhiễu doanh nghiệp để được chi tiền riêng, nhưng không ai thừa nhận, những chuyện đó thống kê làm sao được?
Năm 2013, Tổng cục Thống kê đã đưa vào GDP tăng thêm mấy trăm nghìn tỷ đồng khi thống kê cả hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở của người dân. Ghi nhận vào bên Nợ và bên Có của hệ thống tài khoản quốc gia, nhưng tựu chung không ai được hưởng từ sự tăng thêm đó. Hai hoạt động trên hiện nay lên đến gần 01 triệu tỷ đồng.
Bây giờ lại tính thêm một khoản từ khu vực kinh tế ngầm nữa, ước tính chiếm 10-15% GDP, giống như một khoản rất vu vơ. Do đó, để nói chống thất thu thuế hay chống buôn lậu là khó.
Các nước trên thế giới có đưa con số thống kê khu vực kinh tế ngầm vào GDP không, thưa ông?
Nước nào cũng có khu vực kinh tế ngầm, tỷ lệ bao nhiêu phụ thuộc vào trình độ quản lý và mức độ tham nhũng. Tham nhũng càng cao khu vực kinh tế ngầm càng lớn.
Việt Nam cũng đã có nghiên cứu bài bản về vấn đề này từ 20 năm trước. Trong tài liệu về Hệ thống tài khoản các quốc gia (của Ngân hàng thế giới – WB) có nêu riêng một chương 25 về thống kê Khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Rất nhiều nước đã thống kê khu vực này, nhưng không tính vào GDP, họ thống kê để biết được quy mô của khu vực kinh tế ngầm lớn đến mức nào. Chỉ có một số nước đưa vào, như: Mexico, Australia (chỉ cộng vào GDP trong 01 năm)…
Riêng đối với Việt Nam, việc thống kê khu vực kinh tế ngầm sẽ được tính vào GDP, vì Chính phủ đã phê duyệt Đề án Thống kê Khu vực kinh tế chưa được quan sát vào GDP, dự kiến thực hiện vào năm 2020. Tỷ lệ bội chi, tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ nhỏ đi nhờ vào quy mô GDP tăng lên.
Xin cảm ơn ông !
Giải pháp chủ yếu của Đề án Thống kê Khu vực kinh tế chưa được quan sát vào GDP là khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết và toàn diện thực trạng các hoạt động kinh tế chưa được quan sát theo 5 nhóm hoạt động của 3 khu vực kinh tế (Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; Khu vực công nghiệp và xây dựng; Khu vực dịch vụ); Loại hình sở hữu (Kinh tế Nhà nước, kinh tế ngoài Nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài); Ngành, lĩnh vực; địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tiêu thức khác. Trên cơ sở đó, xây dựng Danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát.