Nhiều kỳ vọng cho kinh tế Việt Nam trong năm mới

Song, vẫn còn bóng dáng những vấn đề tồn tại từ cách đây hơn 20 năm cản trở thành phần này phát triển bùng nổ, như: đất đai, vốn, thủ tục hành chính…

TS Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế:

Doanh nghiệp tư nhân đã chuyển biến tích cực

Theo dự báo, kinh tế toàn cầu năm 2019 có thể tiếp tục không ổn định với tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Việt Nam với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, việc tìm kiếm thị trường, duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu sẽ là nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi nỗ lực lớn.

Nhiều kỳ vọng cho kinh tế Việt Nam trong năm mới - Ảnh 1.

TS Lê Đăng Doanh

Ngoài ra, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ đem đến sự phát triển mạnh mẽ không thể ngăn cản được của thương mại điện tử và hàng loạt cơ hội việc làm tự do xuyên biên giới, cũng đặt ra đòi hỏi cao với chúng ta để bắt kịp thế giới. Đặc biệt, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2019, đến từ chiến tranh thương mại với Mỹ, tình hình tài chính bết bát, nợ nần và nhiều vấn đề khác. Tất yếu, Việt Nam không nằm ngoài vòng ảnh hưởng. Trong nước, Thủ tướng đã thể hiện quyết tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách, cắt giảm điều kiện kinh doanh để cải thiện môi trường kinh doanh. Nhưng, quyết tâm của Thủ tướng có được các bộ, ngành, địa phương hưởng ứng và chuyển thành hành động hay không lại là câu chuyện khác.

Tuy nhiên, nối tiếp những thành quả bản lề đã đạt được trong năm 2018, nền kinh tế Việt Nam năm 2019 vẫn có nhiều hi vọng. Chúng ta đã ghi nhận sự chuyển biến đáng mừng khi nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn không chỉ đầu tư vào bất động sản như giai đoạn trước mà đã đầu tư vào nông nghiệp, công nghiệp. Những cái tên nổi bật là Thaco, Vingroup… với chiến lược đầu tư vào sản xuất ôtô, điện thoại, nông nghiệp công nghệ cao hay bệnh viện, trường học…

Nhiều kỳ vọng cho kinh tế Việt Nam trong năm mới - Ảnh 2.

Các chuyên gia đều kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2019. Ảnh: Khánh Phan

Với quyết tâm đẩy mạnh cải cách, phát huy mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân của Chính phủ, tôi tin chúng ta sẽ tự tạo ra được nội lực thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ doanh nghiệp mới là lực lượng năng động, có thể đưa khoa học công nghệ vào đời sống, nên bằng mọi cách phải có chính sách tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp vận dụng khoa học công nghệ, tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, ưu đãi, giải quyết những khó khăn về đất đai. Nếu làm được, tôi kỳ vọng năm 2019, Việt Nam đạt tăng trưởng 6,9%-7%, giữ được CPI dưới 4% nếu giá dầu không có biến động lớn và chính sách tín dụng vẫn thận trọng với bất động sản.

GS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân

Phát triển kinh tế tư nhân là xu thế không thể đảo ngược

Năm 2018 là năm mà bức tranh kinh tế – xã hội thành công khá toàn diện với 12/12 chỉ tiêu phát triển đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, điểm sáng nhất là tăng trưởng GDP đạt mức kỷ lục 7,08%, mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua, cho thấy nền kinh tế đã hồi phục và nhiều khả năng tiệm cận một quỹ đạo tăng trưởng mới. Điểm đáng ghi nhận cùng với tốc độ tăng trưởng cao là nền tảng kinh tế vĩ mô duy trì được ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát dưới 4%. Động lực tăng trưởng được duy trì từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, từ khu vực nông nghiệp; không còn phụ thuộc vào tín dụng và khai khoáng như trước, chứng tỏ mô hình tăng trưởng chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu.

Tuy nhiên, hiện tại, nền kinh tế nước ta vẫn đang có nhiều thách thức và tồn tại kéo dài, chất lượng tăng trưởng có cải thiện nhưng chậm, chưa bền vững; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp, yếu tố mang tính đột phá để tạo ra một quỹ đạo tăng trưởng mới vững chắc chưa hình thành rõ nét. Sau hơn 30 năm đổi mới, nước ta vẫn đang ở nhóm các nước thu nhập trung bình thấp, nguy cơ tụt hậu vẫn đang là thách thức lớn nhất trên con đường phát triển.

Muốn trở thành một đất nước hùng cường, phồn thịnh, sánh kịp với các nước, trước hết là trong khu vực, cần phải liên tục duy trì, khai thác các dư địa còn tiềm năng, đồng thời luôn biết tận dụng các cơ hội mới, tạo thêm động lực tăng trưởng để hình thành chắc chắn một quỹ đạo tăng trưởng cao hơn, ở mức 7%-8% năm.

Vấn đề mấu chốt cần giải quyết trong năm 2019 và đặt nền móng cho các năm tiếp theo là cần kiên trì cải thiện tổng cung của nền kinh tế, theo đó một mặt tăng được mức sản lượng tiềm năng, mặt khác gia tăng được năng suất và chất lượng tăng trưởng một cách bền vững. Cần lưu ý tiếp tục cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh luôn là dư địa không bao giờ cạn. Phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới cũng là xu thế không thể đảo ngược và cần những giải pháp để kinh tế tư nhân thực sự là “động lực kinh tế quan trọng” và trở thành điểm “đột phá” trong 5-10 năm tới.

Nhiều kỳ vọng cho kinh tế Việt Nam trong năm mới - Ảnh 4.

Sự chuyển biến của những tập đoàn tư nhân lớn như Thaco, Vingroup… sẽ có tác động đáng kể đến tăng trưởng của nền kinh tế. Ảnh: Khánh Phan

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Kinh tế tư nhân phát triển là tín hiệu của nền kinh tế khỏe mạnh

Sau một thời gian dài với những thay đổi thăng trầm, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam thời gian gần đây đã có những thay đổi lớn. Lần đầu tiên trong lịch sử có một Nghị quyết Trung ương riêng về phát triển kinh tế tư nhân với những nội dung được đặc biệt nhấn mạnh như: “Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP”; “Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng”.

Nhiều kỳ vọng cho kinh tế Việt Nam trong năm mới - Ảnh 5.

Ông Đậu Anh Tuấn

Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân dường như ai cũng biết rõ. Nó tạo ra phần lớn việc làm, đóng góp chủ yếu vào ngân sách nhà nước, đảm nhận các gánh nặng về an sinh xã hội. Đối với nền kinh tế quốc gia cũng như một địa phương, khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển rõ ràng là một tín hiệu quan trọng của nền kinh tế khỏe mạnh. Như vậy, Việt Nam đã đi một hành trình rất dài để khẳng định được rằng kinh tế tư nhân là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế nước nhà. Tuy thế, vẫn cần lưu ý những vấn đề để phát triển kinh tế tư nhân hiện nay đã tồn tại từ cách đây hơn 20 năm, bao gồm: đất đai, vốn, thủ tục hành chính…

Hiện nay, ở Việt Nam chưa có một thước đo riêng về sức khỏe và sự lớn mạnh của khu vực tư nhân trong nước. Chúng ta vẫn thường chỉ nghe nói đến số lượng doanh nghiệp thành lập mới mà Chính phủ và các địa phương công bố, nhưng quy mô ra sao, hiệu quả như thế nào, sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp có bền vững không… vẫn là những câu hỏi rất lớn.

Dường như các báo cáo thành tích kinh tế và doanh nghiệp của Việt Nam hằng năm đang bị những con số màu hồng từ kết quả sản xuất, xuất khẩu của các tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, Intel, Canon… che khuất mất! Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phải vật lộn với muôn vàn rào cản như tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục hành chính phiền hà.

Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam hiện nay bao gồm hơn 600.000 doanh nghiệp đăng ký chính thức và hơn 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Theo Báo cáo Việt Nam 2035 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp tư nhân trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ và phi chính thức; có quá ít doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô vừa và quy mô lớn, đặc biệt trong ngành công nghiệp chế tác, sản xuất.

Để ươm mầm cho kinh tế tư nhân bùng nổ, việc nâng cao chất lượng quản trị tại các doanh nghiệp trong nước có ý nghĩa hết sức quan trọng để cải thiện hiệu quả hoạt động, gia tăng quy mô sản xuất kinh doanh, cũng như tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, từ đó, góp phần quan trọng vào việc hình thành một đội ngũ doanh nghiệp trong nước có thể thành công trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, khắc phục các hạn chế như việc chưa kết nối thành công với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chuỗi sản xuất toàn cầu; nâng cao tính liên kết, trách nhiệm xã hội của khu vực tư nhân…

0911 755 899