Nhiều doanh nghiệp thủy sản chưa có đơn hàng mới trong quý II và III

Doanh nghiệp ngành thủy sản hiện đối mặt với nhiều thách thức. Ngoài ảnh hưởng do việc thông quan qua biên giới làm lượng cầu giảm, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu và các hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản chưa có đơn hàng mới trong quý II và III - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản không có đơn hàng mới trong quý II và III. Ảnh: VASEP.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nhiều doanh nghiệp thủy sản chưa có đơn hàng mới trong quý II và III. Số có đơn cũng không nhiều.

Theo đó, tỷ lệ những đơn hàng được giao theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm 30-50%. Trong khi đó, tỷ lệ đơn hàng bị yêu cầu tạm hoãn, dừng, hủy từ EU, Hàn Quốc và Trung Quốc khá cao, dao động 20-40%. Các mặt hàng bị hủy chủ yếu là tôm và cá tra.

Khó khăn hơn, các doanh nghiệp thủy sản cũng nhận được yêu cầu lùi thời gian thanh toán tiền hàng, có đơn tới vài tháng. Không những không xoay vòng được vốn và thanh toán cho nhà cung cấp, doanh nghiệp còn phải “gánh” thêm một số chi phí phát sinh như việc thay đổi hành trình của tàu, thay đổi cảng đến, chi phí lưu container tại cảng, chi phí mua trang thiết bị y tế để phòng tránh dịch Covid-19

Tình trạng ngập mặn cũng gây thiếu hụt nguyên liệu. Với những doanh nghiệp hải sản khai thác, mức thiếu hụt khoảng 50%. Trong khi đó, doanh nghiệp tôm hiện phải ngưng nhập khẩu vì không có kho chứa. VASEP dự báo, trường hợp dịch được kiểm soát, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành được phục hồi thì nguyên liệu cũng chỉ đáp ứng được 50-70% nhu cầu sản xuất.

Do lệnh phong tỏa của nhiều nước, nhiều đơn hàng không được cấp chứng từ gốc (H/C, C/O) nên dù hàng đã về cảng nhưng doanh nghiệp cũng không đưa được hàng về kho. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở chiều ngược lại.

Trong bối cảnh có nhiều thách thức, một số doanh nghiệp cho biết vẫn giữ nguyên lượng công nhân, phân chia lịch làm việc cho phù hợp với điều kiện sản xuất và điều chỉnh mức lương phù hợp. Bên cạnh đó, cũng có đơn vị phải cho công nhân tạm nghỉ việc nhưng có trợ cấp.

Trước những thách thức về nguồn cung, đầu ra và dịch bệnh, đại diện VASEP kiến nghị Chính phủ và các bộ xem xét giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm nay, chỉ đạo các ngân hàng có gói hỗ trợ cho vay lãi suất thấp và dễ tiếp cận.

Nhằm đảm bảo nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất và xuất khẩu sau dịch, hiệp hội cũng mong muốn Nhà nước có kế hoạch quy hoạch vùng nuôi nguyên liệu tôm, cá tra, hỗ trợ cho người nuôi tiếp tục thả giống mới trong thời gian này. Cuối cùng, VASEP kiến nghị sửa đổi và cải cách các quy định kiểm soát nhập khẩu hàng thủy sản cho mục đích sản xuất, xuất khẩu và gia công xuất khẩu.

Trước đó trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt trên 991 triệu USD, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Trung Quốc giảm mạnh nhất (44%), tiếp sau là EU (20%), ASEAN, Hàn Quốc…

Nhiều doanh nghiệp thủy sản chưa có đơn hàng mới trong quý II và III - Ảnh 2.

Thống kê xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm. Ảnh: VASEP.

Riêng xuất khẩu cá tra 2 tháng chỉ đạt 210 triệu USD, giảm 32% vào thị trường Trung Quốc. Các nhà nhập khẩu Mỹ, EU và ASEAN cũng giảm mua 19-40%. Theo dự đoán của một số doanh nghiệp cá tra, sang tháng 4, xuất khẩu sang Trung Quốc có thể phục hồi 50%, tháng 5 hồi phục 70% và đến tháng 6 mới có thể hồi phục hoàn toàn.

0911 755 899