Một vài lưu ý khi xuất khẩu tôm sang thị trường Anh

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh luôn đạt các mức tăng trưởng dương kể từ năm 2012 đến nay do Anh đẩy mạnh nhập khẩu tôm nước ấm – sản phẩm giá phải chăng có khả năng thay thế cho tôm nước lạnh.

Trong khối EU, Anh đang là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 36% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU và chiếm 6,8% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam đi tất cả các thị trường. Quý IV/2018, xuất khẩu tôm sang Anh giảm 14% đạt 62,6 triệu USD do tác động từ sự kiện Brexit tại Anh. Sự kiện này phần nào làm xáo trộn tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa và nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại Anh. Tính chung cả năm 2018, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh vẫn tăng trưởng dương đạt 238,4 triệu USD. Bước sang tháng 1/2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh đạt trên 16 triệu USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 4 năm trở lại đây, Anh là thị trường đáng chú ý của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam. Từ năm 2014 đến nay, Anh luôn ở vị trí thứ 1 và 2 về nhập khẩu tôm Việt. Trong khoảng thời gian năm 2014-2017, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh tăng trưởng liên tục, từ mức 114,6 triệu USD trong năm 2014 lên 210,6 triệu USD năm 2017, tăng gần 84%.

Có thể nói, Anh là một thị trường đáng lưu tâm của doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam trong khối EU vì doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này được hưởng ưu đãi về thuế GSP giống như quy định chung trong xuất khẩu sang EU. Mặt hàng tôm chế biến xuất xứ từ Việt Nam trên thị trường Anh đang có lợi thế cao hơn về giá bán và chất lượng so với hàng của Ấn Độ, Bangladesh. Tôm chân trắng tươi, đông lạnh cỡ 13/15, 16/20 xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh có giá từ 6,67-8,73 USD/kg.

VASEP khuyến cáo, Anh là một thị trường với nhiều cạnh tranh từ các nguồn cung đối thủ nên doanh nghiệp cần hiểu biết rõ về thị trường để đưa ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng ở đây. Để thành công trên thị trường Anh, doanh nghiệp cần cung cấp sản phẩm có giá tốt, khả năng đáp ứng nguồn hàng đều đặn và khả năng cải tiến phát triển sản phẩm để bắt kịp thị hiếu của người dân.

Năm 2018, nhập khẩu tôm của Anh đạt 827,2 triệu USD, giảm 0,1% so với năm 2017. Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Anh, chiếm 26,4% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Anh. Ấn Độ đứng thứ hai chiếm 15,1%. Trong số các nguồn cung tôm chính cho thị trường này, nhập khẩu tôm của Anh từ Việt Nam, Đan Mạch, Iceland tăng trong khi nhập khẩu từ Ấn Độ, Canada, Bangladesh giảm so với năm 2017.

0911 755 899