12 FTA Việt Nam đã ký kết và 4 Hiệp định đang đàm phán và chuẩn bị ký kết. Trong đó, CPTPP có hiệu lực thực thi đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019; còn EVFTA đã kết thúc đàm phán và đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục để ký kết. Hai FTA mới này có mức độ cam kết cao, tầm ảnh hưởng rộng, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội mới nhưng cũng không ít thách thức to lớn cho nền kinh tế và khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Xu hướng đẩy mạnh tự do hóa thương mại hàng nông sản thông qua việc ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do sẽ giúp Việt Nam được hưởng ưu đãi nhiều hơn về thuế quan, phi thuế quan. Đồng thời nông sản Việt có điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào một vài thị trường.
CPTPP là Hiệp định thương mại quan trọng nhất trong hơn hai thập kỷ qua, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với 11 quốc gia, chiếm 11,5% tổng kim ngạch toàn cầu. CPTTP với nhiều cam kết trong cắt giảm thuế quan, cam kết nguồn gốc xuất xứ, cam kết sở hữu trí tuệ… Đối với Hiệp định EVFTA, hiện Việt Nam và EU đang chuẩn bị ký kết và phê duyệt. Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 7 năm.
FTA mới không phải “bức tranh màu hồng” cho nông sản Việt.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, với hội nhập quốc tế, Việt Nam đã chuyển từ bị động sang chủ động. Do đó, đã có những chuyển biến quan trọng cả về cơ cấu phát triển, chất lượng phát triển kinh tế cũng như chiến lược đối ngoại, trong đó, lấy nền tảng là đa phương hóa, đa dạng hóa.
Với vị thế là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, gạo đứng thứ 3 thế giới, thủy sản đứng thứ tư thế giới… Không có giới hạn cho năng lực sản xuất nếu chúng ta có thể tận dụng tối đa cơ hội về thị trường và có được điều kiện để tái cơ cấu, đưa công nghệ và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, hữu cơ. Các FTA chính là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là ngành nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trong hội nhập, không phải tất cả đều là bức tranh màu hồng. Gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu đến từ các nước có lợi thế hơn, trình độ phát triển cao hơn; áp lực cạnh tranh sẽ làm một số ngành có thể bị thu hẹp sản xuất như chăn nuôi lợn, mía đường… nguy cơ nông sản bị trả lại, mất quyền xuất khẩu hoặc gia tăng tần suất kiểm tra do chưa đáp ứng các quy định và chưa được quản lý chặt chẽ vấn đề vệ sinh ATTP…
“Những thách thức đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân. Do đó, đòi hỏi vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ban ngành trong việc xây dựng chính sách và thực thi pháp luật để đảm bảo hiệu quả cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA cũng quy định về quy tắc nguồn gốc xuất xứ thuần túy hoặc giá trị nội khối đối với nông sản. Gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu đến từ các nước có lợi thế hơn, trình độ phát triển cao hơn, do hàng rào thuế quan dần được cắt giảm. Gạo Việt Nam sẽ bị gạo Thái Lan, Campuchia, Myamar cạnh tranh; thủy sản trong đó đặc biệt là tôm và cá tra của Việt Nam sẽ bị các sản phẩm của Agentina, Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh cạnh tranh…
Trong khi Việt Nam khó sử dụng hàng rào phi thuế như một biện pháp bảo hộ do năng lực về pháp lý, bằng chứng khoa học hạn chế… sẽ là những thách thức đặt ra.