FTA đòi hỏi tư duy mới

Từ tư duy thị trường của doanh nghiệp, tư duy cải cách của chính phủ đều cần “kết nối” nhằm xóa “BOT” trên con đường “cao tốc” của hội nhập.

Tại Việt Nam, với 17 hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán mà nổi bật là CPTPP và EVFTA được ví như những tuyến đường “cao tốc” nối Việt Nam với hàng loạt các thị trường mới tiềm năng, mà nói như Tư lệnh ngành Công Thương Trần Tuấn Anh “thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa, thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA“.

Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để cắt giảm, thậm chí gỡ bỏ những “BOT” trên cao tốc? Bởi với một nền kinh tế có độ mở lên tới 200% giá trị GDP và 98% doanh nghiệp là nhỏ và vừa như Việt Nam thì các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao và toàn diện không chỉ là cơ hội mà còn là rủi ro và thách thức.

“Những thách thức lớn nhất xuất phát từ các vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam như hạn chế về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, hệ thống các chính sách pháp luật còn thiếu, yếu và chồng chéo cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thực hiện các cam kết và hạn chế trong hiểu biết và nhận thức của các doanh nghiệp và cộng đồng cũng như các thách thức ngành”, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia đánh giá.

FTA đòi hỏi tư duy mới - Ảnh 1.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cũng nhận định, việc tham gia vào 17 hiệp định thương mại cũng chính là tham gia vào cuộc cạnh tranh toàn cầu với mỗi sân chơi có luật riêng và yêu cầu riêng về chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và năng suất lao động, ứng dụng công nghệ khác nhau dẫn tới giá thành sản phẩm khác nhau… Trong khi đó, thị trường chỉ chấp nhận doanh nghiệp nào tuân thủ luật chơi và có đủ cả tiềm lực, năng lực.

Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, Nhà nước cần vạch ra chiến lược đưa doanh nghiệp Việt Nam ra “biển”. Đơn cử, với hiệp định CPTPP, ngành dệt may xuất khẩu sẽ có nhiều ưu đãi nếu sợi vải có xuất xứ từ Việt Nam. Nhưng nếu không có chính sách ưu đãi, sẽ không doanh nghiệp nào dám đầu tư nhà máy sản xuất sợi vải vì đầu tư rất lớn rủi ro cao. Trong khi đó, nếu không có những sự đầu tư để hình thành nền công nghiệp phụ trợ, Việt Nam không thể tận dụng được cơ hội từ các FTA.

“Đặc biệt, cải cách thể chế phải làm sao theo kịp được yêu cầu của hội nhập và phát triển. Chúng ta đã biết, ai chấp nhận sự thay đổi thì tồn tại, ai nắm bắt được thay đổi sẽ thành công. Không thể lên tầm cao mới từ nền móng cũ được”, ông Đoàn nhấn mạnh.

0911 755 899