Từ sau Tết đến nay, tình hình xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp (DN) trong nước rơi vào tình cảnh khốn đốn do phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Thiệt hại nặng nề nhất, đó là hàng loạt sản phẩm nông nghiệp đã và đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng không thể xuất vào được thị trường Trung Quốc, cũng không thể xuất vào bất cứ thị trường nào, buộc phải “quay đầu” lại thị trường nội địa chờ “giải cứu”.
Việc “giải cứu” nông sản của Việt Nam không phải bây giờ mới xảy ra, mà rất nhiều lần trước đó. Tuy nhiên, nếu không thay đổi kiểu làm ăn manh mún, chất lượng sản phẩm chỉ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tiểu ngạch, việc tiêu thụ chỉ trông chờ vào quyết định của thương lái và xuất khẩu chỉ tập trung vào một thị trường… thì chắc chắn người nông dân trực tiếp sản xuất tiếp tục bị thiệt hại nặng nề.
Trước đây, cả nước vào cuộc “giải cứu” hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) vì sản phẩm này phụ thuộc 70-80% thị trường xuất khẩu Indonesia. Khi hành tím Vĩnh Châu vào mùa thu hoạch rộ cũng là lúc thị trường Indonesia ngưng nhập khẩu mặt hàng này, khiến khoảng hơn 50.000 tấn hành tím đã thu hoạch không có đầu ra, buộc phải “giải cứu” trong nước.
Tương tự, khoảng tháng 4-2019, người dân trong nước lại tiếp tục chung tay “giải cứu” khoai lang cho bà con tỉnh Gia Lai. Nguyên nhân, khoai lang Gia Lai phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc và người dân cũng đã quen với kiểu xuất khẩu tiểu ngạch.
Tuy nhiên, sau đó Trung Quốc đã thay đổi kiểu tiếp cận với sản phẩm nhập khẩu. Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như trước nữa, họ đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn, yêu cầu khắc khe hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… và việc thay đổi bất ngờ này đã khiến khoai lang Gia Lai không đáp ứng được yêu cầu của đối tác đặt ra.
Hàng tồn, không có đầu ra, một cuộc “giải cứu” diễn ra trên diện rộng tại thị trường nội địa. Thời điểm này, ở đâu cũng thấy xuất hiện tấm bảng: “Khoai nghĩa tình – Hỗ trợ tiêu thụ khoai lang giúp bà con nông dân tỉnh Gia Lai”…
Và, từ sau Tết đến nay, người dân lại tiếp tục “giải cứu” thanh long, dưa hấu của nông dân các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bình Thuận, Gia Lai… bị ứ đọng số lượng lớn không xuất được vào thị trường Trung Quốc do bị ảnh hưởng dịch Covid -19.
Tham gia “giải cứu” mạnh nhất là các hệ thống siêu thị như: Siêu thị BigC, bán dưa hấu ruột đỏ giá 4.900 đồng/kg, thanh long ruột đỏ miền Tây giá 10.900 đồng/kg. Từ ngày 5-2 đến nay, toàn hệ thống tiêu thụ khoảng 100 tấn dưa hấu/ngày (gấp 10 lần ngày thường) và 70 tấn thanh long.
Dự kiến, BigC sẽ tiêu thụ khoảng 4.000 tấn thanh long và dưa hấu tại một số địa phương như Bình Thuận, Gia Lai, Khánh Hòa, Long An, Tiền Giang… để hỗ trợ nông dân tiêu thụ hai loại nông sản bị ùn ứ này; Hệ thống siêu thị Co.op mart, Co.op Xtra. Co.op Food, bán hàng không lợi nhuận không chỉ 2 mặt hàng thanh long, dưa hấu mà còn mặt hàng cá ba sa của các tỉnh miền Tây Nam Bộ với giá thu mua tại nguồn cao hơn thương lái.
Thanh long, dưa hấu được siêu thị “giải cứu” cho nông dân, bán ra với giá không lợi nhuận.
Giá thanh long ruột trắng và ruột đỏ hệ thống này bán ra giá từ 4.800 đồng – 9.900 đồng/kg, dưa hấu giá 9.500 đồng/kg tùy theo khu vực địa lý của siêu thị. Cá basa nguyên con, không đầu đạt chuẩn xuất khẩu giảm 20% còn 44.500 đồng/kg. Tổng lượng dự kiến tiêu thụ của 3 mặt hàng nông thủy sản này tại hệ thống 6.000 tấn… Bên cạnh đó, còn có rất nhiều tổ chức, cá nhân, cũng đã thu mua giúp thanh long, dưa hấu của người nông dân bán ra thị trường không lợi nhuận, thậm chí là phát miễn phí…
Theo số liệu tổng hợp của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), việc thông quan ở cửa khẩu quốc tế vẫn được tiến hành. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 200 container hàng nông sản chờ thông quan ở các cửa khẩu của Lạng Sơn và Lào Cai.
Tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), tính đến đầu tuần này đã xuất khẩu được 31 xe container (trong đó 25 xe trái cây như thanh long, dưa hấu, mít, nhãn; và linh kiện điện tử) nhưng hiện vẫn còn tồn trên 100 xe hàng trái cây (thanh long, mít, ớt, nhãn) và linh kiện điện tử.
Tại Lào Cai, xuất khẩu chính ngạch cũng được khai thông với hơn 10 xe thanh long, chuối, mít, dưa hấu đã giao được hàng. Tuy nhiên, tại đây vẫn còn khoảng 100 xe trái cây, trong đó nhiều nhất là thanh long và chuối, mít và dưa hấu.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu bị gián đoạn thì tiêu thụ nội địa là giải pháp hữu hiệu. Trong thời gian qua, hệ thống phân phối trong nước đã hỗ trợ các nhà vườn tiêu thụ nông sản, nhưng sản lượng nông sản cần tiêu thụ hiện nay là rất lớn. Vì vậy, Sở Công thương các địa phương cùng với các nhà phân phối cần chủ động bàn bạc để có kế hoạch cụ thể hỗ trợ nông dân, cũng như có phương án bảo quản, chế biến các nông sản có số lượng lớn sắp thu hoạch.
Với thực trạng trên, để tránh phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu, nhiều ý kiến cho rằng cùng với việc tiếp tục duy trì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các cơ quan chức năng, DN cần nghiên cứu để tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế cho hàng hóa của Việt Nam, nhất là với các mặt hàng nông, thủy sản.
Tuy nhiên, để sản phẩm xuất khẩu được vào nhiều thị trường thì người sản xuất buộc phải thay đổi thói quen sản xuất manh mún, tự phát, buôn bán phụ thuộc vào thương lái… như hiện nay. Để thực hiện việc này cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, DN và người sản xuất.