Đưa kinh tế ngầm vào GDP: Thành tích tăng trưởng GDP lúc đó lại “ảo”?

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã chính thức ký quyết định phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát tại Việt Nam. Việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế.

Không phải để “làm đẹp số liệu”

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Phạm vi của khu vực kinh tế chưa được quan sát gồm 5 nhóm: Hoạt động kinh tế ngầm; hoạt động kinh tế bất hợp pháp; hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình; hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.

Đối với Việt Nam, trong 5 thành tố kinh tế chưa được quan sát, hiện ngành thống kê mới chỉ thực hiện thống kê được 3 thành tố đầu nhưng chưa đầy đủ, còn 2 thành tố cuối cùng là kinh tế ngầm (hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng bị giấu diếm một cách có chủ ý nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính và trách nhiệm xã hội) và kinh tế bất hợp pháp (hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm và các hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng hoạt động khi chưa được cấp phép) chưa thống kê được.

Cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, các hoạt động kinh tế chưa được quan sát xuất hiện ngày càng đa dạng và phức tạp, tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với nền kinh tế chứ không phải để “làm đẹp số liệu” hay tạo điều kiện để Việt Nam gia tăng vay nợ, chi tiêu, đầu tư…

Tính kinh tế ngầm vào GDP sẽ phải chỉnh chuỗi thời gian tính GDP 10 năm

TS. Bùi Trinh, chuyên gia thống kê

Tính kinh tế ngầm vào GDP sẽ phải chỉnh chuỗi thời gian tính GDP 10 năm

Thực tế vẫn tồn tại song song 02 khu vực trong hoạt động của một nền kinh tế: khu vực kinh tế quan sát được và khu vực kinh tế chưa được quan sát (tạm gọi chung là kinh tế ngầm).

Rõ ràng, hiện nay GDP của Việt Nam đang tính từ nền kinh tế quan sát được vẫn còn bị nghi ngờ. Vì thống kê cũng đang dựa nhiều vào ước lượng (có sai số). Nếu tính thêm khu vực kinh tế ngầm vào GDP nghĩa là lại ước lượng thêm một khoản vu vơ nữa thì rất nguy hiểm.

Vấn đề quan trọng hơn, nếu cộng cả khu vực kinh tế ngầm vào GDP (dự kiến thực hiện vào năm 2020) sẽ phải điều chỉnh chuỗi thời gian tính GDP ít nhất là 10 năm. Đó là nguyên tắc, nếu không số liệu sẽ “gãy” hết.

Khi điều chỉnh một chuỗi thời gian cho các dãy số liệu nó sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc ngành nghề theo 10 năm điều chỉnh đó, dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP sẽ khác, cấu trúc GDP sẽ khác, cấu trúc ngành sẽ khác. Vì không phải ngành nghề nào cũng có khu vực kinh tế ngầm giống nhau, con số thống kê kinh tế ngầm có năm nó tăng cao, có năm tăng thấp…

Khi cấu trúc GDP khác đi thì cấu trúc của nhu cầu sẽ khác, tiêu dùng sẽ khác, tích lũy sẽ khác, xuất nhập khẩu sẽ khác… Tất cả tỷ lệ sẽ khác, dẫn đến tất cả các báo cáo, đề tài khoa học từ trước đến nay sẽ vô giá trị. Các con số tăng trưởng hay dự tính tăng trưởng hằng năm mà Quốc hội đưa ra bàn thảo sẽ là không thực chất, vì dự tính tổng đầu tư, thu – chi ngân sách… chỉ dựa trên khu vực kinh tế quan sát được, nhưng tăng trưởng thực tế lại gồm cả kinh tế ngầm.

Khi tính kinh tế ngầm vào GDP thành tích tăng trưởng GDP lúc đó lại chỉ là ảo, nó cho thấy thu nhập bình quân đầu người tăng lên (do quy mô GDP lớn hơn), tỷ lệ bội chi, tỷ lệ nợ công giảm đi… nhưng thực tế không phải vậy. GDP tăng từ cách tính mới này cũng do thuế tăng, giá điện tăng, phí tăng… tất yếu sẽ liên quan đến người dân.

Năm 2013, Tổng cục Thống kê đã đưa vào GDP tăng thêm mấy trăm nghìn tỷ đồng khi thống kê cả hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở của người dân. Ghi nhận vào bên Nợ và bên Có của hệ thống tài khoản quốc gia, nhưng tựu chung không ai được hưởng từ sự tăng thêm đó. Hai hoạt động trên hiện nay lên đến gần 1 triệu tỷ đồng.

Bây giờ lại tính thêm một khoản từ khu vực kinh tế ngầm, ước tính chiếm 10-15% GDP, giống như một khoản rất vu vơ. Do đó, để nói chống thất thu thuế hay chống buôn lậu là khó.

Cần thời gian kiểm định mới đưa vào GDP

Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế

Nếu tính được kinh tế chưa quan sát có mặt lợi là tính đúng được GDP hàng năm để định hình, tuy nhiên khi tính toán không chính xác sẽ khiến GDP là giả tạo.

Khi GDP được tính không chính xác ảnh hưởng đến nợ công, quy định trần nợ công 65% GDP, ví dụ đang nợ công 66 đồng trên thu nhập 100 đồng, nợ công 66%, nếu tính 30% mà số thực chỉ 10% thì sẽ làm mất đi tính thực trong hoạch định chính sách.

Việc tính toán theo tôi tính khả thi khó, nhiều nước tính cũng khó và không chính xác. Hiện nay, ngay số liệu công khai còn khiến giới chuyên môn nghi ngờ nên tôi cho rằng việc tính kinh tế chưa quan sát vào GDP ngay sẽ có hiệu luỵ, cần tính và kiểm định, xác định rồi mới đưa vào GDP, ít nhất là một thời gian quá độ. Nếu chưa chính xác và đưa ngay vào sẽ gây hiệu luỵ, số ảo bệnh thành tích, và ảnh hưởng đến nợ công.

0911 755 899