Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung: Sẽ ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu Việt

Sau khi Nhân dân tệ (CNY) phá vỡ ngưỡng kháng cự 7 CNY “ăn” 1 USD, sáng 6-8, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm. Theo đó, tỷ giá trung tâm tăng thêm 15 VND lên mức 23.115 VND/USD. Đây cũng là mức tỷ giá trung tâm cao nhất từ trước đến nay mà NHNN áp dụng.

Việc tỷ giá trung tâm liên tục tăng và thiết lập đỉnh mới trong những ngày gần đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sự điều chỉnh này là cần thiết và kịp thời nhất là trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung bất ngờ lên cao và sự mất giá mạnh của CNY tạo áp lực nhất định lên đồng nội tệ của Việt Nam.

Theo ông Hiếu, động thái duy trì đồng CNY yếu của Trung Quốc nhằm bù đắp những ảnh hưởng từ việc Tổng thống Trump tiếp tục áp thuế nhập khẩu 25% lên 300 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ ngày càng trở nên rõ ràng.

Do đó, việc điều chỉnh tỷ giá lần này cũng sẽ hỗ trợ kiểm soát phần nào tình trạng mất cân đối trong tương quan mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc, gây ảnh hưởng tới những doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung: Sẽ ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu Việt - Ảnh 1.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, biểu hiện của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc theo xu thế đang mở rộng và leo thang. Đặc biệt, từ cuộc chiến tranh thương mại đến nay đã lan sang cuộc chiến tranh công nghệ và bây giờ bước sang cuộc chiến tranh tiền tệ.

Trung Quốc đã tiếp tục tung đòn hạ giá đồng NDT, thậm chí là phá giá để giảm bớt sự tác động do bị đánh thuế. Trước động thái này, nếu như ông Donald Trump đánh thuế 10% lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ mà đồng tiền NDT lại phá giá 10% thì coi như là hòa. Tuy nhiên, điều này đã ảnh hưởng nhiều đến thị trường thế giới; trong đó, có thị trường Việt Nam.

Bởi số lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc rất lớn. Đây là điều doanh nghiệp cần phải tính toán và chuyển hướng sang xuất khẩu vào thị trường khác mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là thị trường thuộc khối Liên minh kinh tế Á-Âu.

“Điều quan trọng nhất là Việt Nam không để cuộc chiến tranh tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng tới thị trường tiền tệ của Việt Nam. Điều này đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải theo dõi rất sát sao để đảm bảo quan hệ tỷ giá giữa đồng tiền Việt Nam với các đồng tiền khác trên thế giới không tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam”, ông Thắng nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Hiếu lại cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung sẽ không chấm dứt trong năm 2019 và cũng không thể kết thúc trong năm 2020 vì đây không phải là cuộc chiến tranh thương mại thuần tuý mà nó mang “màu sắc” chính trị khi Tổng thống Trump đang bước vào giai đoạn tranh cử cho nhiệm kỳ tới. Trong khi đó, phá giá đồng tiền kích thích xuất khẩu là cách thức nhanh nhất và hiệu quả nhất để bù đắp cho những ảnh hưởng từ những gói thuế mà Mỹ đánh lên hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, hiện tại khó dự đoán xu hướng của cuộc chiến tranh thương mại này như thế nào. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc dẫn đến quan hệ cung cầu trên thị trường thế giới thay đổi gây ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia, nhất là quốc gia nào dựa nhiều vào xuất khẩu và đầu tư.

Mặt khác, gần đây một số hãng nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Việt Nam đã vi phạm về xuất xứ hàng hóa và ghi nhãn mác bao bì là “Made in Vietnam” nhằm lẩn trốn thuế. Điều này rất nguy hiểm với Việt Nam bởi khi bị phát hiện, Việt Nam sẽ bị phạt mức thuế chống lẩn tránh và sẽ thiệt hại lớn.

Khi đó không chỉ ngành hàng bị phạt thuế mà còn ảnh hưởng xấu đến nhiều ngành hàng khác nữa khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Vì vậy, Chính phủ cũng như các bộ ngành chức năng, các Hiệp hội và doanh nghiệp tuyệt đối không để hàng Trung Quốc núp bóng “Made in Vietnam” để xuất khẩu sang Mỹ.

0911 755 899